Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Dịch vụ xe hoa ngày cưới: Thuê rẻ hóa đắt


Dịch vụ xe hoa ngày cưới: Thuê rẻ hóa đắt

Dịch vụ thuê xe ngày cưới khi vào chính vụ luôn được các nhà xe mời đón với những ưu đãi “giá rẻ” nhưng đó cũng là những chiêu tinh vi để “làm tiền” khách.


                                  Những loại xe sang thường có giá "cắt cổ". Ảnh minh họa

Loạn giá

Bước vào mùa cưới, các nhà xe chuyên cho thuê xe ngày cưới lần lượt tung ra hàng loạt các hình thức khuyến mãi trá hình khác nhau nhằm câu khách, với những vị khách không tinh ý sẽ dễ dàng vướng vào mê cung giá của nhà xe.

Chị Nguyễn Thu Trang ở phố Tây Sơn (Hà Nội) vừa bước ra tại một cửa hiệu cho thuê xe cưới trên phố Xã Đàn cũng đang thực hiện chương trình khuyến mãi giảm giá cho biết: “Họ bảo có người đặt hết rồi chỉ còn xe bình thường thôi, nếu thuê các dòng khác không phải dòng xe tự chọn thì phải chấp nhận giá cao hơn”.

Hiện nay, các cửa hiệu chụp ảnh cưới cũng giới thiệu luôn cả dịch vụ cho thuê xe mùa cưới cho khách đi kèm với dịch vụ chụp ảnh studio, tùy vào các dòng xe khác nhau sẽ có giá thành khác nhau.

Tuy nhiên, dịch vụ xe hoa ngày cưới này sẽ bị làm giá ngay khi thuê xe ngoài và thuê xe trong dịch vụ ảnh cưới bởi xe của một số cửa hiệu ảnh viện áo cưới luôn có giá cao hơn so với giá xe thuê riêng ở ngoài.

Tại một cửa hiệu ảnh viện áo cưới trên phố Thái Thịnh có luôn dịch vụ thuê xe cưới nhưng giá thành khá cao dù cùng một loại xe. Với dòng xe Lexus IS 250 tại cửa hiệu này có giá 4.500.000đ/ca 4h, thêm giờ sẽ có giá 700.000đ/giờ.

Hãng thuê xe trên một trang web có tên Thành Hưng, chuyên cho thuê xe cưới giá lại mềm hơn chút, với dòng xe Lexus IS 250 như nói trên, giá khoảng 3.900.000đ/ca 4h và nếu thêm giờ sẽ lấy thêm 600.000đ/giờ.

Các dịch vụ xe cưới cũng quy định, nếu xe đi ra ngoại thành sẽ có 2 phương án tính giá, giá tính theo km sẽ cộng thêm 35.000đ/km. Với các tỉnh lân cận, cả đi cả về khoảng 100 km sẽ có giá gần 10 triệu. Còn với xe cưới 24 chỗ giá nội thành với giá 1,5 triệu/ca 4h; 2,7 triệu/ngày, nếu phát sinh thêm giờ sẽ cộng thêm 200.000đ/h.

Chị Nguyễn Thanh Lan trên phố đường Láng (Hà Nội) cho biết: “Thuê xe rẻ nhưng các phụ phí khác lại đắt hơn những nơi thuê giá cao, tính ra giá thành vẫn như nhau. Nếu không tinh ý có khi lại bị thuê đắt hơn”.

Những chiêu trò “tăng giá”

Dịch vụ thuê xe ngày cưới được coi là khó định hình về giá, với những chiêu trò câu khách của nhà xe thì ít có vị khách nào thoát ra được những mê cung của dịch vụ này. Với những vị khách mới vào tham khảo giá sẽ được nhà xe đưa ra những cách mời chào giá rẻ nhằm thăm dò hầu bao của khách. Tiếp đó, sau khi thuê xe khách sẽ phải trả thêm những khoản tiền trên trời mà không được thông báo trước.

                             Nhiều gia đình thuê cả đoàn xe phục vụ đón dâu. Ảnh minh họa

Màn giới thiệu xe với khách bao giờ cũng là chương trình hấp dẫn bởi mê cung với các loại xe thời thượng giá rẻ nên ngay lập tức màn mở đầu sẽ được các vị khách ưng ý, đồng thời cũng là cơ hội để nhà xe biết được mức độ "chịu chơi' của khách.

Những dòng xe hạng sang sẽ được nhà xe cảnh báo trước là luôn trong tình trạng hết xe nên phải có lịch cụ thể hoặc sẽ được giới thiệu sang các dòng xe cao cấp hơn. Nhưng khi tư vấn lựa chọn nhà xe sẽ cố ép khách vào một dòng xe mà khách đang thích và đã cho là luôn trong tình trạng hết, để qua đó đưa ra các điều kiện tăng giá tiền.

Anh Hưng, nhân viên cửa hiệu cho thuê xe cưới trên phố Huế - Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết: “Đối với dòng xe đắt tiền mà khách thích, do cửa hàng đang khuyến mãi cho thuê giá rẻ nên mọi người đặt hết. Tuy nhiên, nếu khách thích cũng sẽ có nhưng phải thêm tiền để đổi xe cho người đã đặt”.

Đối với những vị khách còn đang e dè với hầu bao sẽ ngay lập tức nhận được sự đồng cảm của nhà xe đồng thời sẽ được giới thiệu sang các dòng xe giá rẻ: “Với những dòng xe giá khác giá rẻ hơn nhưng cũng vẫn đẹp, khách có thể chuyển sang những dòng này, cửa hiệu có hơn 30 loại xe chúng em đang khuyến mãi giá rẻ hết”.

Độc chiêu khác của nhà xe cũng được cho là khá thú vị mà chỉ dành riêng cho những vị khách “chỉ đến có một lần” này. Đó là chiêu trò tài xế tiếp tục móc hầu bao của khách, theo đó những vị khách “chỉ đến có một lần” này sẽ phải trả những khoản tiền vô lý mà không dễ chịu chút nào.

Kéo dài thời gian làm quá giờ của gia chủ so với khung giờ đã định cũng được coi là những độc chiêu của tài xế. Khi đó, tài xế ép khách vào thế đã rồi nên có những điều kiện vô lý không có trong hợp đồng thuê xe mà khách vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt để cho êm xuôi mọi chuyện.

Anh Nguyễn Bá Quyết ở Đội Cấn, Ba Đình cho biết: “Trước khi thuê xe tôi đã hỏi rõ ràng nhà xe nói nếu lệch giờ so với khung đã định sẽ thêm 500.000đ phát sinh và tôi đã đồng ý. Nhưng trên đường đi đến nhà hàng bị tắc đường nên đến trễ hơn so với khung giờ đã định thì tài xế quay ra đòi bỏ về. Khi khách hàng nói sẽ bù tiền thêm giờ nhưng tài xế không đồng ý và với mức đã định và yêu cầu phải một triệu dù chưa đến 1h”, anh Quyết cho biết thêm.

VẬN CHUYỂN CONTAINER BẰNG... PHONG BÌ


VẬN CHUYỂN CONTAINER BẰNG... PHONG BÌ


Hạ tầng và kết nối giao thông yếu kém, chi phí vận tải quá cao trong khi chất lượng dịch vụ vận tải và logistics (cơ sở hạ tầng để nhận hàng, lưu kho, thủ tục hải quan…) lại thấp. Đáng lưu ý là việc thực hiện các thủ tục thông quan xuất nhập khẩu kéo dài, phải có thêm các khoản phí “bôi trơn”, tình trạng tham nhũng trong hải quan… Đó là những trở ngại làm hạn chế tính cạnh tranh, ảnh hưởng đến tình hình thương mại của Việt Nam thời gian qua.

Nội dung trên được ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, nêu ra trong buổi giới thiệu báo cáo “Tạo thuận lợi thương mại, tạo giá trị và năng lực cạnh tranh” vào sáng 4-7 tại Hà Nội.

Nhiều lỗ hổng gây tham nhũng

Nói về thủ tục giao dịch thương mại qua biên giới, ông Đức cho hay thời gian gần đây Việt Nam có những tiến bộ như việc sửa đổi luật hải quan có áp dụng một loạt tiêu chuẩn thông lệ quốc tế, nhiều nơi thực hiện hải quan điện tử.


Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ thông tin chỉ mới là thí điểm, mô phỏng lại quy trình thủ công. “Cán bộ hải quan vẫn xử lý công việc dựa vào các mẫu biểu giấy, mất nhiều thời gian và nguồn lực. Vì vậy, thủ tục hải quan tại Việt Nam còn chậm, không nhất quán, còn nhiều lỗ hổng gây tham nhũng. Hiện Việt Nam vẫn thua xa các nước trong khu vực về thời gian thông quan và tỉ lệ kiểm tra hàng thực tế” - ông Đức nói.

Khảo sát về tham nhũng năm 2005 và năm 2012 do Thanh tra Nhà nước và Ngân hàng Thế giới thực hiện cho thấy hải quan là một trong ba ngành tham nhũng nhất tại Việt Nam (hai ngành còn lại là cảnh sát giao thông và quản lý giao thông/khai khoáng).

Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cho rằng cần phải có các khoản phí bôi trơn, tiền trà nước cho cơ quan hải quan và cảnh sát để cho những phần hàng, nguyên liệu và hàng hóa xuất nhập khẩu di chuyển được trong chuỗi cung ứng ít bị chậm trễ nhất. Chính điều này đã làm thổi phồng giá logistics cho các thủ tục thông quan, khai thuế hải quan, kiểm tra hàng hóa và vận tải đường bộ.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết từ lâu doanh nghiệp đã có ý kiến nhiều về các thủ tục hải quan. Gần đây ngành hải quan cũng đã nỗ lực thực hiện hải quan điện tử. Thế nhưng “dù có điện tử thì doanh nghiệp vẫn cứ phải gặp gỡ. Vì vậy mà nhiều doanh nghiệp nói rằng container được vận chuyển bằng phong bì chứ không phải bằng xe hay tàu. Bởi nếu không có phong bì thì ngay cả có xe cũng khó chạy được. Đấy là một tình trạng làm tăng thêm chi phí và thời gian của doanh nghiệp, đã được nói từ rất lâu nhưng đến nay vẫn tồn tại. Báo cáo này một lần nữa nêu lên tình hình tiêu cực này. Tôi nghĩ rằng chính cơ chế tạo ra hành vi của con người. Muốn khắc phục tình trạng này để môi trường thương mại thuận lợi, tăng giá trị và năng lực cạnh tranh, cần phải thay đổi ngay từ cơ chế” - TS Doanh nhấn mạnh.

Thâm hụt thương mại nghiêm trọng

Theo ông Đức, ngoài hạn chế lớn nhất về hệ thống hải quan thiếu hiệu quả và cơ sở hạ tầng chưa phù hợp, quá trình cạnh tranh thương mại của Việt Nam còn đối đầu với tình trạng thâm hụt thương mại nghiêm trọng. Tính đến năm 2000, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn tương đối cân bằng nhưng thời gian sau đó, cán cân này có chiều hướng tiêu cực.

“Đặc biệt là sự thâm hụt đáng kể đối với Trung Quốc và các nước ASEAN. Trong khi đó, xuất khẩu của chúng ta chủ yếu có giá trị thấp, hàm lượng công nghệ thấp và tập trung vào các sản phẩm chủ lực như dệt may, giày dép, thủy sản, gạo… Đáng chú ý là nguồn nhập khẩu lại tập trung chủ yếu vào khu vực châu Á. Hơn 60% nhập khẩu của Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc, Sigapore, Đài Loan…” - ông Đức lo ngại.

Nhóm nghiên cứu và làm báo cáo trên cho rằng muốn tạo thuận lợi thương mại, nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh thì vai trò của Chính phủ trong việc giảm thiểu chi phí xuất khẩu, tăng tối đa giá trị gia tăng là rất quan trọng. Báo cáo cũng đưa ra ba trụ cột mà Chính phủ cần cải thiện trong thời gian tới. Đó là cải thiện hệ thống giao thông và dịch vụ logistics, cải cách thủ tục pháp quy trong giao dịch thương mại qua biên giới và tái cơ cấu chuỗi cung ứng.

Khai trương tuyến xe bus 80 chỗ ngồi


Khai trương tuyến xe bus 80 chỗ ngồi


Sáng 24-8, Công ty xe khách Sài Gòn làm lễ khai trương đưa 13 xe bus 80 chỗ ngồi và đứng sử dụng nhiên liệu sạch vào chạy tuyến Bến Thành - đại lộ Võ Văn Kiệt - Bến xe Miền Tây từ 5 giờ 30 phút đến 18 giờ 30 phút mỗi ngày.



Đây là tuyến xe bus mẫu có mã số 39 do Đoàn viên thanh niên công ty tổ chức khai thác theo các tiêu chí quy định, hoạt động dưới sự giám sát của hệ thống thiết bị định vị GPS, bán vé qua máy tự động in vé và tiếp viên, tài xế mặc đồng phục mới được đào tạo có thái độ phục vụ ân cần và thân thiện. Dự kiến ngày 26-8 tới đây, Công ty xe khách Sài Gòn đưa tuyến xe bus mẫu thứ hai từ khu dân cư Tân Quy, Nhà Bè đến Bình Lợi, Thủ Đức để đáp ứng nhu cầu đi xe bus của người dân.


CÁC PHƯƠNG TIỆN GIÁ RẺ TỪ SÂN BAY NỘI BÀI ĐẾN TRUNG TÂM HÀ NỘI


CÁC PHƯƠNG TIỆN GIÁ RẺ TỪ SÂN BAY NỘI BÀI ĐẾN TRUNG TÂM HÀ NỘI



Như các bạn đã biết, để đảm bảo các quy tắc về an toàn bay, sân bay Nội Bài được xây dựng tại ngoại thành Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 30 km. Hệ thống booking toàn cầu - Abook.vn xin gửi đến các bạn một số kinh nghiệm di chuyển từ Nội Bài về Hà Nội và ngược lại để có thể sử dụng khi cần thiết.

Xe bus tuyến số 7: Ngay khi ra khỏi sân bay, các bạn có thể tìm thấy trạm xe bus chỉ cách cửa ra khoảng 200m. Các bạn chọn lên xe bus số 7, tuyến xe bus này có điểm đến cuối cùng là trạm trung chuyển xe bus Cầu Giấy (cổng trường Đại học Giao thông vận tải). Tại đây, các bạn có thể di chuyển đến các địa điểm khác trong TP Hà Nội tương đối gần.

-

 Ưu điểm: giá rẻ. Chỉ với 6.000đ bạn đã có thể về trung tâm TP. Xe bus chạy thường xuyên, khoảng 15 – 20 phút có một chuyến.

- Nhược điểm: khá đông đúc, nếu mang quá nhiều hành lý sẽ khó khăn trong việc mang vác. Nếu đi một nhóm quá đông có thể sẽ phải tách đi làm 2, 3 chuyến. Sau khi xuống điểm cuối cùng, bạn vẫn phải bắt taxi hoặc xe ôm để về địa điểm cần đến.

Xe ô tô trung chuyển của các hãng máy bay

- Các hãng bay như VNA, Jetstar hay Vietjet đều có xe đưa đón hành khách từ sân bay về Hà Nội. Ngay khi ra cửa sân bay, các bạn có thể dễ dàng tìm được những xe trung chuyển kiểu này, hỏi trước giá cả, số lượng người đi và tuyến đường. Với các xe của VNA, điểm đến cuối cùng là phố Quang Trung (chỉ cách Hồ Gươm khoảng 2 km). Bạn cũng dễ dàng di chuyển đến các nơi khác tại Hà Nội. Các xe của hãng khác cũng tương tự.


Ưu điểm: giá bình thường. Chỉ với 40.000đ, bạn đã có thể về đến Quang Trung. Ngoài ra xe còn dừng ở nhiều điểm khác theo yêu cầu: Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy, KS Deewoo… Bạn cũng có khoang cất hành lý nên không cần lo việc mang vác.

- Nhược điểm: Sau khi xuống điểm cuối cùng, bạn vẫn phải bắt taxi hoặc xe ôm để về địa điểm cần đến.

Taxi tại sân bay:

- Cách này là lựa chọn dễ dàng nhất. Với 330.000đ, bạn có thể bắt 1 chiếc taxi 4 chỗ về tận nơi ở tại trung tâm thành phố. Nhưng với những địa điểm không phải trung tâm, thường sẽ phải trả thêm khoảng 20-30k. Ngay khi bắt taxi, bạn hãy nói địa chỉ cho lái xe và chốt giá cả trước khi lên xe. Có thể tham khảo 1 vài hãng taxi trước khi lựa chọn như Taxi Nội Bài, Taxi Mai Linh, Taxi Thủ Đô….

- Ưu điểm: tiện lợi, được phục vụ đưa về tận nơi ở.

- Nhược điểm: khá đắt.

Lưu ý: Nếu đi chiều ngược lại từ Hà Nội ra sân bay Nội Bài, Quý khách có thể gọi điện cho hãng Taxi Nội Bài. Giá ra sân bay chỉ khoảng 200.000 – 250.000 VNĐ.

Nếu Quý khách cần tìm hiểu thêm có thế truy cập vào hệ thống booking toàn cầu – Abook.vn hoặc gọi điện cho nhân viên: 04.378.348.85 để được hướng dẫn chi tiết

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Chi bôi trơn làm ngành vận tải èo uột


Chi bôi trơn làm ngành vận tải èo uột
Theo báo cáo của WB, “tham nhũng trong giao thông vận tải ở miền Nam thể hiện rõ nét hơn so với miền Trung và miền Bắc”.

“Tham nhũng là cản trở lớn nhất trong số 19 khó khăn mà doanh nghiệp (DN) vận tải Việt Nam phải đối mặt; và 8% chi phí của các DN vận tải phải sử dụng để “bôi trơn” phục vụ cho quá trình hoạt động” là những thông tin vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố trong các báo cáo “Kho vận hiệu quả”, “Thúc đẩy thương mại thông qua giao thông vận tải có sức cạnh tranh và ít khí thải” và “Đánh giá Đô thị hóa ở Việt Nam”.

Khảo sát cho thấy, các DN vận tải ở miền Nam và miền Trung phải chi các khoản “bôi trơn” cao hơn so với các DN miền Bắc, với tỷ lệ gần 10% tổng chi phí hoạt động.

Chi thù lao để giảm thiểu chậm trễ

Theo các báo cáo này, so với các nước cạnh tranh như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, chi phí kho vận trên sản lượng quốc gia của Việt Nam vẫn cao mà nguyên nhân gốc rễ là do tình trạng thiếu ổn định xuyên suốt trong các chuỗi cung ứng. Mà sự thiếu ổn định trong các chuỗi cung ứng ở Việt Nam bắt nguồn từ vấn đề dai dẳng nhất là những “phần mềm” chứ không liên quan đến chất lượng cơ sở hạ tầng.

Kết quả khảo sát của WB cho ra kết luận, sự thiếu ổn định này buộc các nhà sản xuất phải tự bảo hiểm trước rủi ro trong giao nhận hàng hóa bằng cách duy trì lượng hàng tồn trữ kho lớn hơn mức cần thiết để điều hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh thường nhật nếu không muốn gặp phải những rủi ro, thậm chí còn lớn hơn do mất khách hàng, sản xuất bị gián đoạn, hoặc phải giao nhận hàng khẩn cấp với mức giá cao mà đáng lẽ họ không phải chịu.

Nhiều lái xe sợ chi phí bôi trơn khi vận hành phương tiện trên đường. Ảnh minh họa

Các đơn vị tham gia hoạt động vận tải thường xuyên cho biết, họ phải có những khoản thù lao để giảm thiểu chậm trễ trong chuỗi cung ứng.

Ước tính DN chủ hàng Việt Nam tốn kém khoảng 100 triệu USD/năm cho các chi phí tồn trữ hàng hóa trội do những chậm trễ trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu gây ra. Dự kiến đến năm 2020, chi phí này của các DN Việt Nam sẽ lên đến 180 triệu USD.

Vì thế, WB cho rằng, Việt Nam cần giảm thiểu thủ tục giấy tờ trong quy trình thông quan, nghiệp vụ xuất nhập khẩu; xác định các tuyến “hành lang kho vận” chiến lược tại các cửa ngõ ở miền Bắc và miền Nam có chất lượng hạ tầng, môi trường luật định (giới hạn tải trọng, tốc độ, kích thước xe), có chính sách công cho ngành vận tải và kho vận; nâng cao nhận thức của cả DN nhà nước và tư nhân về cán cân lợi ích – chi phí của từng phương án lựa chọn phương tiện và chuỗi cung ứng trong hoạt động kinh doanh vận tải.

10% tổng chi phí dành cho “bôi trơn”

“Trung bình các DN vận tải Việt Nam phải chi khoảng 8% cho các khoản “chi phí bôi trơn”, trong khi đó chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 65% chi phí hoạt động và chi phí cho tiền lương chiếm khoảng 16%, chi phí chưa xác nhận chiếm khoảng 11%”.

Những con số này minh chứng cho kết luận của WB trong Báo cáo “Đánh giá Đô thị hóa ở Việt Nam”, “Tham nhũng là cản trở lớn nhất trong số 19 khó khăn mà DN vận tải Việt Nam phải đối mặt”.

Đáng lưu ý là khoảng 76% chi phí của các DN vận tải được “tính trực tiếp cho khách hàng”, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng Việt Nam phải chịu hầu hết các khoản chi phí tham nhũng trong hoạt động kinh doanh vận tải. Đối với hàng hóa xuất khẩu thì những chi phí này do các DN Việt Nam gánh chịu, đã gây khó khăn hơn cho họ trong quá trình cạnh tranh.


CHỈ ĐƯỢC NK Ô TÔ CŨ CÓ THỜI GIAN SỬ DỤNG KHÔNG QUÁ 5 NĂM


CHỈ ĐƯỢC NK Ô TÔ CŨ CÓ THỜI GIAN SỬ DỤNG KHÔNG QUÁ 5 NĂM

Nghị định quy định hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép. Thương nhân muốn xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy phép của bộ, ngành liên quan. Hàng hóa phải bảo đảm các quy định về kiểm dịch, an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, phải chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền trước khi thông quan.


Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu bao gồm vũ khí, đạn dược, trang thiết bị kỹ thuật quân sự; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu Nhà nước, sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội; các loại văn hóa phẩm thuộc diện cấm hoặc đã có quyết định đình chỉ phổ biến và lưu hành tại Việt Nam; gỗ tròn, gỗ xẻ các loại từ gỗ rừng tự nhiên trong nước; động vật, thực vật hoang dã, quý hiếm và giống vật nuôi, cây trồng quý hiếm.

Các mặt hàng bị cấm nhập khẩu gồm pháo các loại (trừ pháo hiệu an toàn hàng hải), đèn trời, các loại thiết bị gây nhiễu máy đo tốc độ phương tiện giao thông; hàng tiêu dùng đã qua sửa dụng bao gồm các nhóm hàng dệt may, giày dép, quần áo, hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng thiết bị y tế...

Theo Nghị định này ô tô các loại đã qua sử dụng chỉ được nhập khẩu nếu bảo đảm thời gian đã qua sử dụng không quá 5 năm, tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu. Căn cứ yêu cầu quản lý từng thời kỳ, Chính phủ giao Bộ Công Thương quy định việc nhập khẩu ô tô các loại chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20-2-2014.



Chuyên gia nói về nguyên nhân cao tốc Hà Nội - Lào Cai bị nứt


Chuyên gia nói về nguyên nhân cao tốc Hà Nội - Lào Cai bị nứt
Địa điểm bị nứt trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai nằm trong gói thầu về đích muộn, bị đốc tiến độ và về đích sát ngày thông xe. Chủ đầu tư cho rằng, dù đẩy nhanh tiến độ nhưng vẫn đảm bảo quy trình và việc sớm đưa công trình vào khai thác.




                                                              Hai bộ cùng vào cuộc

Cho đến ngày 25/9, nguyên nhân của những vết nứt tại Km 83 trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai vẫn chưa được cơ quan chức năng đưa ra. Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng - Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng cho hay, dù tổ công tác đã khảo sát hiện trường và tìm hiểu hồ sơ vụ việc, nhưng chưa có kết luận chính thức.

“Để đưa ra các đánh giá chính xác, chúng tôi sẽ chờ kết quả khoan thăm dò của các đơn vị” - ông Hùng nói.

Trong công văn gửi Bộ GTVT và Tổng Cty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc (VEC - chủ đầu tư) hôm qua, ông Ngô Lâm - Phó Cục trưởng Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng đề nghị tiếp tục tiến hành các biện pháp để tìm hiểu nguyên nhân. Bộ Xây dựng đồng thời đề nghị các địa phương dọc tuyến tiếp tục theo dõi toàn tuyến.
“Khi đưa dự án vào khai thác, chúng tôi đã so sánh lợi ích giữa việc đợi hết lún và lợi ích kinh tế - xã hội nếu đưa tuyến đường vào khai thác sớm”.Phó Tổng GĐ VEC Lê Kim Thành


Đáng lưu tâm là, điểm bị nứt một thời gian dài nằm trong danh sách đen về chậm tiến độ của toàn dự án. Nguyên nhân do nhà thầu chính - Tập đoàn Keangnam (Hàn Quốc) không chịu chi tiền trả cho các nhà thầu phụ. Để khắc phục, lãnh đạo Bộ GTVT từng phải ra tối hậu thư cho đơn vị này (nếu không chuyển tiền sẽ hủy hợp đồng).

Trả lời câu hỏi, liệu có phải sự cố xảy ra do bị ép tiến độ, Cục trưởng Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) Trần Xuân Sanh khẳng định: Không có việc đổi chất lượng lấy tiến độ vì các biện pháp thi công đều đảm bảo đúng quy trình.

Ông Lê Kim Thành, Phó Tổng GĐ VEC, trực tiếp chỉ huy thi công tuyến đường nói: “Chúng tôi rút ngắn tiến độ bằng việc tăng cường máy móc, nhân lực chứ không phải bỏ qua các quy trình”.

Cán bộ phụ trách gói thầu này của VEC cũng cho rằng, hiện tượng nứt có nguyên nhân từ nền đường và nền đường đã làm từ đầu, không thuộc giai đoạn bị thúc tiến độ do thiếu vốn sau này.

Ngoài ra, ông Lê Kim Thành cho rằng, điểm bị nứt nằm trong khu vực đầm lầy, đã được xếp vào điểm theo dõi lún. Nghĩa là dù đường thông xe, điểm này sẽ vẫn phải tiếp tục xử lý.



Hiện trường vết nứt đã được xử lý tạm


Điều khiển được độ lún nếu nhiều tiền

PGS.TS Trần Chủng - Trưởng ban Chất lượng, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam nói rằng: Nếu cần đẩy nhanh tiến độ, hoàn toàn thực hiện được và công trình có chất lượng cao một khi ứng dụng tiến bộ khoa học và cần có chi phí.

PGS.TS Trần Chủng đồng tình quan điểm của VEC đưa ra khi cho rằng, nguyên nhân sâu xa của sự cố tại cao tốc Nội Bài – Lào Cai là các yếu tố địa chất. Ông so sánh đoạn đường bị nứt được đắp cao 9m trên túi bùn tương đương với việc nền đất chịu sức nặng của một căn nhà 5 tầng. Tuy nhiên, khi xây nhà luôn có móng, trường hợp đắp đất làm đường thì không. Vì thế, đường bị nứt khi nền đất lún không đều.

“Với các công nghệ xử lý nền đất yếu, chúng ta hoàn toàn có thể “điều khiển” được tốc độ và độ lún. Điều quan trọng là, chúng ta phải hiểu được nền đất và đối tượng công trình bên trên để chọn giải pháp thích hợp. Ví dụ, nếu yêu cầu dừng lún triệt để phải có giải pháp đắt hơn. Còn nếu để nền đất cố kết tự nhiên, theo các chuyên gia địa kỹ thuật có thể kéo dài năm, sáu chục năm” – PGS.TS Trần Chủng nói.

Trước đó, thông tin chính thức của VEC đưa ra cho biết, biện pháp xử lý lún được áp dụng là thay đất một phần với chiều sâu từ 4,5 - 6,5m.

Trước mắt, nếu các vết nứt này không được sớm khắc phục sẽ gây thẩm thấu nước xuống các lớp móng và nền đường, sẽ gây hại cho đường nghiêm trọng.

Hiện tại, VEC cho biết, đã tiến hành trám lại các vết nứt để tránh ngấm nước vào nền đường. Việc khoan để đánh giá nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục cũng sẽ được tiến hành và công bố công khai.